Bài viết được viết và phân tích dựa trên nhiều báo cáo số liệu từ các tổ chức nghiên cứu đào tạo và phát triển tại Mỹ. Số liệu được cập nhật mới nhất đến năm 2019 và 2020.
1. Ngân sách đào tạo bình quân của doanh nghiệp thay đổi sau Covid-19
Theo Báo cáo Đào tạo 2020 của Tạp chí Đào tạo, chi phí đào tạo bình quân của doanh nghiệp tại Mỹ là 25,6 triệu VNĐ/nhân viên năm 2020, ít hơn 4 triệu VNĐ/nhân viên trong năm 2019.
Nhưng nếu chia theo quy mô doanh nghiệp, ta sẽ thấy, số liệu này còn thú vị hơn nhiều.
Cụ thể, các công ty nhỏ (quy mô 100 – 999 nhân viên) đã tăng đào tạo cho mỗi nhân viên lên 38 triệu vào năm 2020 từ 34 triệu năm 2019. Trong khi đó, các công ty quy mô vừa (quy mô 1000 – 9999 nhân viên) lại giảm được khoảng 30% chi phí đào tạo cho một nhân sự từ 19 triệu trong năm 2019 xuống chỉ còn 13 triệu năm 2020. Các công ty lớn cũng giảm đến 40% chi phí đào tạo/nhân viên từ 35 triệu năm 2019 xuống chỉ còn 21 triệu năm 2020. Các số liệu này được cho rằng bị ảnh hưởng nhiều bởi đại dịch Covid-19.
Cũng theo báo cáo của Tạp chí Đào tạo, tổng chi phí đào tạo tại Mỹ trong 2 năm 2019 và 2020 đã giảm từ 83 tỷ đô la xuống còn 82.5 tỉ đô la. Sự sụt giảm này đến từ việc giảm biên chế nhân viên đào tạo bao gồm việc sa thải và cắt giảm nhân sự. Thay vào đó, các doanh nghiệp lại tăng chi tiêu cho các sản phẩm và dịch vụ bên ngoài như dịch vụ tư vấn, mua các nội dung có sẵn và áp dụng công nghệ mới. Đáng ngạc nhiên là chi tiêu cho cơ sở vật chất và trang thiết bị lại tăng lên.
Trong 2 năm trở lại đây, chi phí đào tạo trung bình ở các công ty quy mô vừa giảm từ 20,7 tỉ VNĐ xuống còn 18,6 tỉ VNĐ. Trong khi các công ty lớn tăng tổng chi phí đào tạo từ 408 tỉ VNĐ lên đến 507 tỉ VNĐ. Còn các công ty nhỏ tăng từ 8,4 tỉ VNĐ lên 11,6 tỉ VNĐ.
Khi được hỏi cụ thể về những loại sản phẩm và dịch vụ đào tạo mà các doanh nghiệp dự kiến sẽ mua trong năm tới, 41% lựa chọn mua hệ thống quản lý học tập. Tiếp sau đó là các công cụ và hệ thống học trực tuyến với 40%; 37% tiếp theo dành cho các công cụ soạn giảng và 34% lựa chọn công cụ phát triển nội dung.
Có thể thấy, quy mô doanh nghiệp càng lớn, chi phí đào tạo càng có sự biến động đáng kể. Hậu đại dịch Covid-19, đa phần các doanh nghiệp đã bắt đầu chuyển mình sang hướng đào tạo trực tuyến, quan tâm đầu tư hơn đến các công cụ và công nghệ mới phục vụ cho việc đào tạo, họp hành từ xa.
2. Thời gian đào tạo nhân viên có nhiều biến động đáng kể
Có một điều đáng ngạc nhiên là ngay cả khi chi tiêu ít hơn cho mỗi người học, nhưng các doanh nghiệp lại cung cấp nhiều giờ đào tạo hơn năm trước. Cụ thể, năm 2020, các doanh nghiệp dành trung bình 55.4 giờ cho việc đào tạo thay vì 42.1 giờ như năm 2019.
Một lần nữa, lại có sự thay đổi giờ đào tạo cực bất ngờ theo quy mô doanh nghiệp. Điều này được thể hiện rõ trong biểu đồ sau:
Trong đó, các công ty lớn đã tăng thời lượng đào tạo từ 38.8 giờ/nhân viên lên một con số đáng ấn tượng là 102.6 giờ năm 2020, trong khi chi phí đào tạo/nhân sự lại giảm. Với các công ty nhỏ, dù chi phí đào tạo trên 1 nhân sự tăng, nhưng giờ đào tạo lại bị cắt giảm từ 49.8 giờ xuống còn 41.7 giờ. Và với các công ty quy mô trung bình, thời lượng tăng từ 33.9 giờ lên 34.7 giờ, chi phí đào tạo giảm.
Với các doanh nghiệp cắt giảm ngân sách đào tạo, 67% lấy lí do đại dịch Covid-19 khiến họ buộc phải giảm giờ học và 24% đến từ việc giảm nhân viên đào tạo.
Trái lại, các doanh nghiệp tăng ngân sách trong 2 năm này, 64% cho biết họ cần tăng quy mô đào tạo, 47% đầu tư vào thiết bị công nghệ mới và 46% bổ sung thêm nhân viên đào tạo. Khi được hỏi ưu tiên đào tạo cao nhất của các doanh nghiệp này trong năm 2020, trưởng phòng L&D trả lời rằng họ muốn cắt giảm chi phí và tăng hiệu quả của chương trình đào tạo. Đây chắc hẳn là mong muốn của không chỉ một số nhỏ doanh nghiệp.
3. Hình thức đào tạo nào đã được thực hiện vào năm 2020?
Có một số xu hướng đáng chú ý về các hình thức đào tạo được thực hiện vào năm 2020. Các hình thức học tập kết hợp giữa trực tuyến và truyền thống tăng 5% từ 28% lên 33% năm 2020.
Dù đào tạo truyền thống tại lớp học có giáo viên hướng dẫn vẫn đi đầu với tổng số 40% giờ học. Nhưng chúng ta không thể phủ nhận có một sự thay đổi lớn trong hành vi học trực tuyến. Trong đó, học tập trong lớp học ảo tăng 8% năm 2019 lên 23% năm 2020. Tỉ lệ đào tạo qua thiết bị di động tăng gấp đôi từ 5% lên 10% trong năm 2020.
5. Nhân viên muốn học gì?
Trong một cuộc khảo sát với hơn 500 chuyên gia toàn cầu của Edemy for Business, nâng cao kỹ năng cho nhân viên là ưu tiên hàng đầu. Theo báo cáo của PwC, 79% CEO trên toàn thế giới lo ngại rằng việc nhân sự thiếu các kỹ năng thiết yếu đe doạ tới sự phát triển của doanh nghiệp trong tương lai.
Theo đó, báo cáo này cũng lưu ý rằng, phần lớn nhân viên muốn được đào tạo thêm về các kỹ năng quản lý thời gian, tập trung, kỷ luật tự giác cũng như các kỹ năng lắng nghe và giao tiếp trong kinh doanh.
Ngoài ra, trong báo cáo Học tập tại nơi làm việc năm 2020 của LinkedIn, các chuyên gia L&D cho rằng các kỹ năng ưu tiên cao nhất lần lượt là lãnh đạo và quản lý chiếm 57%, tư duy và giải quyết vấn đề sáng tạo chiếm 42% và giao tiếp là 40%.
Tất cả số liệu này cho thấy rằng, ngoài việc đào tạo kiến thức chuyên ngành, doanh nghiệp cần có cách tiếp cận toàn diện với nhu cầu đào tạo của nhân viên. Các kỹ năng mềm được ưa chuộng hơn các kiến thức chuyên ngành.
Trên đây là toàn bộ số liệu mà chúng tôi đã tổng hợp được từ các báo cáo đào tạo trên thế giới trong 2 năm gần đây. Các số liệu này đã cho chúng ta thấy có sự thay đổi rõ rệt trong lĩnh vực đào tạo và phát triển. Nhân sự cần được chú trọng đào tạo các kỹ năng mềm nhiều hơn thay vì các kỹ năng chuyên ngành cứng nhắc. Doanh nghiệp sau đại dịch cũng bắt đầu thay đổi hành vi, quan tâm thật sự đến các công cụ, công nghệ phục vụ đào tạo trực tuyến. Thế giới đang thay đổi, còn doanh nghiệp của bạn đang ở đâu?
Tại VietED, chúng tôi cung cấp giải pháp đào tạo trực tuyến dành riêng cho doanh nghiệp và tư vấn mô hình đào tạo phù hợp nếu bạn vẫn còn đắn đo. Đăng ký và trải nghiệm ngay tại đây, VietED luôn sẵn sàng hỗ trợ bạn.