Trong cuốn sách “The 2020 Workplace: How Innovative Companies Attract, Develop, and Keep Tomorrow’s Employees Today”, Jeanne Meister – một chuyên gia tư vấn lãnh đạo nhân sự – đã chỉ ra 10 xu hướng mà bộ phận nhân sự cần chú ý tới trong năm 2020 và trong thập kỉ mới.
1. Tập trung vào sức khỏe toàn diện của nhân viên
Nhiều công ty đã quan tâm đến xu hướng công việc trong tương lai, nhưng chỉ tập trung vào tình trạng chia rẽ lớn của công việc, tự động hóa và nhân khẩu học của lực lượng lao động. Tất cả những yếu tố này đều rất quan trọng, nhưng quản lý nhân sự cần bắt đầu dành ưu tiên cho sức khỏe toàn diện của nhân viên trong năm 2020.
PwC là một ví dụ điển hình. Công ty này đã thực hiện một nghiên cứu về lực lượng lao động toàn cầu họ tại Đại học Nam California (USC) để tìm hiểu sâu về vấn đề này. Trước hết, PwC xác định sức khỏe toàn diện của người lao động, bao gồm các góc độ: thể chất, tinh thần , cảm xúc và tâm linh.
Sau đó, PwC xác định các chiến lược cụ thể để cải thiện sức khỏe toàn diện của nhân viên. Điều này làm cho sức khỏe toàn diện trở nên hữu hình hơn là một khái niệm trừu tượng. Những thói quen này được lưu lại trong PwC Habit Bank (Ngân hàng thói quen của PwC), bao gồm từ việc nhắc nhở nhân viên đứng trong các cuộc họp ngắn, thư giãn trước khi ngủ, dành thời gian tận hưởng thiên nhiên, tắt thông báo trên điện thoại…
PwC cũng đã tạo ra Be Well, Work Well – một nền tảng công nghệ tích hợp tất cả những thói quen này và là cửa hàng một điểm đến, bao gồm tất cả những thứ liên quan đến sức khỏe toàn diện để nhân viên của họ sử dụng.
Chỉ cung cấp thông tin về sức khỏe toàn diện là không đủ, theo Michael Fenlon, giám đốc nhân sự của PwC, sức mạnh thực sự nằm ở việc tạo ra một văn hóa sức khỏe toàn diện, nỗ lực để đạt tới sức khỏe toàn diện ở mọi cấp độ từ cá nhân, nhóm đến tổ chức và trang bị cho nhân viên công nghệ để khuyến khích các hành vi tích cực.
2. Chuẩn bị cho một môi trường lao động hỗn hợp
Vào năm 2020, khái niệm lực lượng lao động hỗn hợp đề cập đến sự kết hợp giữa con người và bots thay vì nhân viên toàn thời gian và nhân viên tạm thời như trước đây.
Nghiên cứu dựa trên 8.370 quản lý nhân sự, giám đốc và nhân viên tuyển dụng toàn cầu do Oracle và Future Workplace thực hiện cho thấy 50% nhân viên đã sử dụng một số hình thức của AI tại nơi làm việc, tăng từ 32% vào năm 2018.
Gartner dự đoán đến năm 2021, 25% người lao động sẽ sử dụng trở lý nhân viên ảo (VEA) hằng ngày bao gồm Amazon Alexa for Business và một loạt các bot đàm thoại được sử dụng cho các quy trình nhân sự.
Biết cách để định hướng, phát triển, gắn kết và làm việc cùng với bot sẽ là kỹ năng mới nhất trong năm 2020, khi con người và bot sẽ làm việc cùng với nhau. Cách công ty định hướng, phát triển và thu hút lực lượng lao động kết hợp vào năm 2020 sẽ trở thành một lợi thế cạnh tranh so với các đối thủ.
DBS, ngân hàng lớn nhất Đông Nam Á, là doanh nghiệp đầu tiên sử dụng chatbot để tuyển dụng các công việc có khối lượng lớn trong lĩnh vực ngân hàng bán lẻ. DBS đã tạo ra một chatbot để tăng cường thu hút nhân tài và đã đạt một số thành công:
– Rút ngắn thời gian sàng lọc từ 32 phút/ứng viên xuống còn 8 phút/ứng viên.
– Cải thiện tỷ lệ hoàn thành đơn xin việc tăng 12%
– Trả lời 96% các câu hỏi của ứng viên.
Điều này cho phép các nhà tuyển dụng DBS làm những công việc có giá trị cao hơn như tìm nguồn cung ứng, tiếp thị tuyển dụng, gắn kết với các ứng viên và thậm chí truyền cảm hứng để họ tạo ra một vai trò công việc mới.
3. Tìm kiếm cách ứng dụng mới của AI trong HR
Trí thông minh nhân tạo đang được sử dụng để tuyển nhân tài ở cả L’Oreal và khách sạn Hilton và đã đem lại những kết quả tuyệt vời như tăng tốc độ tuyển dụng và cho phép các nhà tuyển dụng thực hiện các vai trò chiến lược hơn.
2020 là thời điểm để mở rộng AI sang các quy trình nhân sự khác. Một loạt các ứng dụng mới bao gồm nền tảng thuyên chuyển nhân tài nội bộ của Schneider Electric, Thị trường nhân tài mở và thí điểm của DaVita về một công cụ hỗ trợ AI để báo cáo hành vi sai trái tại nơi làm việc.
4. Tập trung vào phát triển AI đạo đức
Trong năm 2020, một vấn đề quan trọng với các công ty là sử dụng AI một cách có đạo đức và trách nhiệm. Những nhà cung cấp và công ty sử dụng các nền tảng AI có thể phải tuân theo các quy tắc như nguyên tắc an toàn đối với ô tô. Rà soát và kiểm tra AI cho các kết quả không đồng đều giữa giới tính, chủng tộc và tuổi tác sẽ trở thành một quy tắc phổ biến.
Ngoài hiểu biết về các luật mới này, các quản lý nhân sự phải chuẩn bị các vấn đề liên quan đến bảo vệ dữ liệu cá nhân của người lao động. Trong nghiên cứu của Oracle và Future Workplace, AI @ Work, 80% nhân viên cho rằng công ty nên xin phép họ trước khi thu thập dữ liệu của họ bằng AI và 71% nhân viên đôi khi lo ngại hơn về vi phạm bảo mật dữ liệu khi công ty sử dụng AI tại nơi làm việc.
Do đó, một năng lực mới mà bộ phận nhân sự cần phải sở hữu chính là hiểu cách thức phát triển AI có đạo đức và trách nhiệm.
5. Cân nhắc các kỹ năng mềm là những “kỹ năng sức mạnh” trong năm 2020
Theo báo cáo từ Global Insitute của McKinsey, khi các nhiệm vụ đơn giản được đảm nhiệm bởi AI tại văn phòng, trong thời gian chuyển đổi, nhu cầu để người lao động trau dồi kỹ năng mềm ngày càng cao.
Jeanne Meister gọi các kỹ năng này là các “kỹ năng sức mạnh” trong tài liệu xuất bản của Cục dữ trữ Liên bang Mỹ. Chúng bao gồm sự kết hợp của các kỹ năng mềm, kỹ năng tư duy và kỹ năng kĩ thuật số.
Những kỹ năng sức mạnh này đang ngày càng trở nên quan trọng, thậm chí một số công ty còn ưu tiên chúng hơn kỹ năng chuyên môn. Ravi Kumar, chủ tịch của Infosys – công ty đang tuyển nhân tài kỹ thuật cho trường thiết kế Rhode Island và trường Cao đẳng Nghệ thuật Tự do Trinity, cho biết: “Chúng tôi đang tập trung tuyển dụng các cá nhân có khả năng học hỏi và năng khiếu làm việc đòi hỏi sự kết hợp giữa thiết kế, công nghệ và công nghiệp, và không chỉ tuyển dụng vì các chứng chỉ hiện tại của họ.”
Theo Nhịp sống kinh tế