Các tiến bộ công nghệ ra đời đẩy nhanh cách mọi người tìm hiểu và xử lý thông tin. Trong đó, e-learning trở thành xu hướng mỗi khi chúng ta nhắc đến giáo dục và đào tạo. Với e-learning, thời gian và chi phí được phân bổ cực hiệu quả trong khi các trải nghiệm học tập gần như thoả mãn được đông đảo người dùng. Đó cũng chính là lí do vì sao, hàng nghìn doanh nghiệp đã sử dụng e-learning làm phương pháp đào tạo chính của mình. Theo Forbes và công ty phân tích tài chính SageWorks, các khối ngành công nghiệp, dịch vụ ứng dụng e-learning vào công tác đào tạo nhân sự phát triển theo cấp số nhân trong những năm qua.
Tại bài viết này, VietED giới thiệu tới bạn 4 ngành công nghiệp, dịch vụ đã phát triển hàng đầu tại Mỹ nhờ ứng dụng e-learning vào đào tạo theo tổng hợp của Cục Thống kê lao động Hoa kỳ, Bloomberg và công ty nghiên cứu thị trường IBIS World Hoa Kỳ.
1. Y tế
Y tế luôn là ngành mũi nhọn không chỉ ở Mỹ mà còn ở tất cả các quốc gia phát triển khác trên thế giới. Yêu cầu đảm bảo về mặt chuyên môn luôn là thách thức không nhỏ với các bác sĩ, y tá, nhà vật lý trị liệu cũng như các nhân viên chăm sóc sức khoẻ tại quốc gia này.
Theo dự đoán của Cục Thống kê Lao động Hoa Kỳ, các công việc trong ngành y tế sẽ tăng 38% vào năm 2024. Trong khi đó, báo cáo Nhân sự Quốc gia Hoa Kỳ lại chỉ ra rằng, tỉ lệ thay thế nhân viên ở ngành này cũng khá cao, chạm mức 17.8% năm 2019. Tức cứ có 100 người tham gia vào ngành thì lại có ~18 người rời ngành y tế. Áp lực đào tạo nhân sự đáp ứng được chuyên môn càng nặng nề trong những năm tiếp theo.
Bên cạnh đó, theo nghiên cứu được thực hiện bởi NEJM Catalysts, 96% chuyên gia chăm sóc sức khoẻ đồng ý rằng kiệt sức ở nhân viên là một trong những vấn đề nghiêm trọng mà ngành y tế đang phải đối mặt. Làm việc quá sức, áp lực từ người bệnh, người nhà bệnh nhân, thiếu cân bằng giữa công việc và cuộc sống,… là những nguyên nhân chính mà dẫn đến tình trạng này. Đào tạo tập trung sẽ chỉ làm cho tình hình thêm căng thẳng.
Vì vậy, ứng dụng e-learning vào đào tạo phần nào giúp ngành y tế giảm thiểu các áp lực này.
Các bài học ngắn cho phép đội ngũ chuyên gia cùng các bác sỹ, y tá có thể cập nhật thông tin kiến thức thường xuyên mà không can thiệp quá nhiều vào lịch trình vốn đã eo hẹp của họ. Bài học được thể hiện dưới nhiều định dạng khác nhau, phù hợp với từng công việc có những yêu cầu đặc thù riêng. Mọi kiến thức y khoa liên quan đến bệnh tật, thuốc thang, phương pháp điều trị hay công nghệ sử dụng luôn được cập nhật mỗi ngày.
2. Bán lẻ và thương mại điện tử
Theo báo cáo của Liên đoàn Bán lẻ Quốc gia Hoa Kỳ (NRF), doanh số bán lẻ năm 2017 đã tăng trung bình 3,8%. Bán lẻ qua sàn thương mại điện tử năm 2018 tăng 12%. Sự phát triển của ngành bán lẻ cũng đồng nghĩa với việc, họ cần bổ sung hàng loạt vị trí từ quản lý đến nhân viên ở cả lĩnh vực bán hàng trực tuyến hay tại quầy.
Thách thức lớn nhất mà các doanh nghiệp bán lẻ gặp phải chính là làm sao để có thể đào tạo chuyên môn cũng như phát triển kỹ năng của đội ngũ nhân sự này. Bởi ngoài quảng cáo, các nhà bán lẻ thừa hiểu rằng, kiến thức về sản phẩm và cách họ chăm sóc khách hàng mới là yếu tố tiên quyết để cạnh tranh trên thị trường.
E-learning chính là công cụ giúp họ thực hiện điều đó. Nhờ e-learning, thời gian đào tạo giảm tới 40% từ hướng dẫn sử dụng phần mềm quản lý bán hàng cho đến phổ biến các nội quy, quy trình, thao tác làm việc hay nhận biết sản phẩm mới. Hiệu quả tăng gấp đôi do tốc độ đào tạo nhanh, nhân viên sớm làm được việc, nâng cao trải nghiệm của khách hàng với sản phẩm.
Các chuyên gia bán lẻ thừa nhận, e-learning chính là vũ khí giúp các họ xây dựng đội ngũ bán hàng thành công, vượt lên các đối thủ khác.
3. Giáo dục
Ngành giáo dục đã có sự thay đổi đáng kể từ khi áp dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy. Ngoại trừ cấp 1 đến cấp 3; từ bậc Cao đẳng, Đại học trở lên, người học đã không còn bị bắt buộc phải lên lớp đến trường. Các hình thức học trực tuyến qua trang thương mại điện tử, webinar, mạng xã hội chia sẻ,… đã dần thay đổi hành vi học và dạy của cả học viên và giảng viên.
Thay vì đầu tư vào hạ tầng đất đai, nhiều cơ sở giáo dục đã bắt đầu quan tâm hơn đến các hệ thống e-learning, quản lý đào tạo cũng như các phần mềm soạn giảng.
Đọc thêm về: Hệ thống LMS mang lại lợi ích gì cho những người tham gia đào tạo?
Ngành giáo dục dự kiến sẽ tăng trưởng 7.2% trong 5 năm tới đây. Nhờ e-learning, giáo dục trở thành ngành dịch vụ năng động hơn. Doanh thu của khu vực dịch vụ giáo dục dựa trên trên e-learning dự kiến đạt 325 tỉ USD vào năm 2025.
4. Xây dựng
Tại Mỹ, xây dựng là một trong những ngành phát triển nhanh nhất nhờ ứng dụng e-learning.
Tính chất phức tạp của ngành đã tăng lên nhiều do những thay đổi cấu trúc thiết kế, quy định của Chính phủ, quy chuẩn xây dựng quốc gia chưa kể đến yếu tố môi trường, thổ nhưỡng. Những thay đổi này buộc các nhà thầu, kiến trúc sư và đội thợ xây lắp luôn phải cập nhật hàng ngày.
Bên cạnh đó, yếu tố để một doanh nghiệp xây dựng có thể cạnh tranh với các đối thủ khác đó chính là hoàn thành tiến độ công trình. Bạn không thể chờ xây xong một căn nhà này mới có thể tiến hành xây căn nhà tiếp theo. Nó chỉ đúng khi bạn là đội xây lắp công trình nhỏ. Khi bạn là doanh nghiệp lớn, bạn phải xây hàng chục, hàng trăm công trình trên khắp đất nước với tiến độ nhanh nhất mà vẫn đảm bảo tuân theo các tiêu chuẩn kể trên.
Cái các doanh nghiệp xây dựng cần chính là một công cụ đào tạo có thể giúp họ truyền tải được lượng kiến thức phức tạp thay đổi hàng ngày trong thời gian ngắn nhất.
Lúc này, e-learning trở thành công cụ tuyệt vời, giải quyết sự bế tắc ấy. Tận dụng khoảng thời gian ít ỏi, đội ngũ kỹ sư cũng như thợ xây dựng có thể dễ dàng tiếp cận các bài giảng trực tuyến ngắn mà không phải tham gia đào tạo tập trung. Với những nội dung cần phải được làm mẫu, họ hoàn toàn có thể học qua video mô phỏng 3D hay các chương trình thực tế ảo. Và quan trọng hơn cả, khi có những thông tin thay đổi, chỉ cần cập nhật với 1 cú click chuột, tất cả các đội thợ trên cả nước đều có thể nắm được. Và đó chính là lí do vì sao, xây dựng lại là ngành được hưởng lợi từ e-learning nhiều đến thế.
Trên đây là top 4 ngành công nghiệp, dịch vụ có sự phát triển mạnh mẽ nhất nhờ ứng dụng e-learning. Điểm chung của những ngành này đều là nhu cầu triển khai đào tạo đồng thời trên một quy mô lớn trong khoảng thời gian tối ưu nhất có thể. Nó không chỉ đúng với 4 ngành kể trên mà nó còn đúng cho nhiều ngành khác như tài chính, kỹ thuật,… nơi có áp lực đào tạo lớn. Nếu doanh nghiệp của bạn cũng thuộc các ngành trên, sao không thử cân nhắc triển khai e-learning để thấy sự khác biệt?