Hiện nay, việc học e-learning đã trở nên phổ biến hơn bao giờ hết. Người người, nhà nhà đã bắt đầu quen dần với khái niệm học e-learning. Nhưng để thiết kế một bài giảng e-learning chưa bao giờ là điều dễ dàng, đặc biệt trong khối doanh nghiệp.
Trong bài viết này, VietED sẽ chỉ điểm top 9 sai lầm dễ gặp phải nhất khi thiết kế bài giảng e-learning. Nếu bạn cũng đang được giao trọng trách xây dựng bài giảng e-learning cho công ty của mình, đừng bỏ qua nhé!
1. Không phân tích người học
Cũng giống như việc viết sách, cần xác định ai là người đọc thì triển khai đào tạo e-learning tại doanh nghiệp, bạn cũng cần phải phân tích ai là đối tượng học và nhu cầu của họ là gì. Cụ thể, bạn nên tự vạch ra các câu hỏi như:
– Đối tượng tham gia học của bạn là nhân viên, quản lý cấp trung hay lãnh đạo cấp cao?
– Họ có nắm được hết các thuật ngữ chuyên ngành mà bạn sử dụng không?
– Nội dung học của bạn có giải quyết được hết nhu cầu của người học không?
– Họ muốn học theo cách nào? Học tập trung hay học trực tuyến?
…
Để triển khai đào tạo thành công, hãy phân tích đối tượng tham gia học. Từ đó, điều chỉnh linh hoạt chương trình đào tạo để phù hợp với nhu cầu của họ.
Xem thêm: 5 kỹ thuật đơn giản giúp doanh nghiệp nhận diện nhu cầu đào tạo của nhân viên
2. Thiếu mục tiêu học
Thông thường, các khoá học được xây dựng phải đáp ứng khá nhiều mục tiêu như:
– Mở rộng kiến thức
– Cải thiện kỹ năng
– Thúc đẩy hiệu suất
…
Nếu khoá đào tạo của bạn không đáp ứng được một trong những mục tiêu trên, việc đào tạo coi như không hiệu quả. Vì vậy, hãy xem bối cảnh diễn ra đào tạo, doanh nghiệp và người học của bạn muốn gì sau khoá đào tạo. Từ đó, sửa lại nội dung, cấu trúc khoá học để đáp ứng mục tiêu đã đề ra.
3. Hãy thiết kế bài giảng dành cho số đông
Mặc dù bạn có thể là chuyên gia trong lĩnh vực của mình, nhưng hãy nhớ rằng, những người tham gia đào tạo thì lại chưa có khả năng ấy. Đó chính là lí do vì sao họ có mặt ở đây để nghe bạn nói, học kiến thức bạn truyền đạt. Như đã nói ngay từ mục 1, hãy phân tích đối tượng tham gia học, lưu ý đến trình độ kiến thức và cách học của họ.
Mọi người tiếp thu thông tin theo nhiều cách khác nhau, vì vậy, đừng chỉ chăm chăm vào việc thiết kế khoá học theo sở thích của bạn.
Xem thêm: Các nội dung thường được doanh nghiệp dùng để triển khai đào tạo nhân sự
4. Đừng quá nặng nề vào lý thuyết, câu chữ
Không ai muốn phải ngồi hàng giờ để nhồi vào đầu một mớ lý thuyết cùng những slide đầy ắp chữ. Việc đưa quá nhiều chữ hay lý thuyết vào khoá học sẽ chỉ khiến người học cảm thấy khó chịu và quá tải. Thay vào đó, hãy tập trung vào thông tin có liên quan và truyền tải nó một cách ngắn gọn. Dù ở lứa tuổi nào, việc tiếp nhận âm thanh, hình ảnh cũng dễ dàng hơn những dãy chữ dài lê thê. Sử dụng nhiều hình ảnh, ảnh động hay video để thể hiện nội dung là cách cực hay để bài giảng e-learning của bạn trở nên cuốn hút hơn.
Xem thêm: 10 ý tưởng để tạo nên 1 bài giảng e-learning cuốn hút
5. Lồng ghép câu đố, câu hỏi trong khoá học
Mục tiêu của việc đào tạo là làm cho bài học trở nên thú vị và có tính thử thách người học. Điều này không chỉ đúng với giáo dục trong khối trường tiểu học, trung học, mà nó còn đúng với việc đào tạo trong doanh nghiệp.
Đặc biệt với việc triển khai đào tạo trực tuyến, việc linh hoạt đưa các câu hỏi, câu đố vào bài học có khá nhiều tác dụng mà có thể bạn cũng chưa biết hết:
– Điểm danh học viên trong quá trình học
– Khuyến khích học viên chú ý đến nội dung học
– Tránh buồn ngủ trong quá trình học
– Tạo động lực học, vượt qua các mốc câu hỏi, hoàn thành bài học
…
Vì vậy, đừng quên lồng ghép các câu hỏi, bài kiểm tra, câu đố trong quá trình học. Tác dụng của chúng mang lại sẽ khiến bạn bất ngờ đấy!
6. Không có ví dụ minh hoạ, các tình huống thực tế
Nội dung bài giảng e-learning dù hay đến mấy nhưng không sát với thực tế thì hiệu quả cũng bằng không. Mọi kiến thức dù hay ho cỡ nào, nhưng người tham gia đào tạo không sử dụng được trong môi trường làm việc cũng trở nên vô nghĩa. Bởi điều họ muốn khi tham gia khoá đào tạo của bạn là cải thiện được những kiến thức, kỹ năng mà trước đây họ chưa có, hoặc chưa bài bản. Họ cần biết trong tình huống thực tế, họ sẽ phải cư xử như nào, xử sự ra sao để có thể mang lại lợi ích tốt nhất cho tất cả các bên.
Vì vậy, nếu khoá học của bạn còn đang thiếu các ví dụ minh hoạ hay các tình huống thực tế, hãy bổ sung kịp thời. Người học sẽ thấy kiến thức mà bạn truyền tải liên quan thế nào tới công việc của họ. Từ đó, họ sẽ vận dụng tốt hơn nếu xảy ra ngoài đời thực.
7. Nội dung hoặc tài liệu lỗi thời
Một trong những sai lầm lớn nhất khi xây dựng nội dung đào tạo đó là sử dụng kiến thức đã lỗi thời, không còn giá trị trong thời điểm đào tạo. Đặc biệt, khi triển khai đào tạo trực tuyến với quy mô nhân sự lớn, chỉ một số liệu hết date, một đường link bị lỗi, bạn sẽ khiến cơ số người học hoang mang và phản hồi tiêu cực.
Vì vậy, hãy nhớ kiểm tra định kỳ nội dung học của bạn để đảm bảo mọi số liệu là đáng tin cậy, mọi đường link, hình ảnh vẫn còn hoạt động tốt. Thường xuyên cập nhật các nội dung hay mô-đun khoá học để bắt kịp với các xu hướng đào tạo chuyên ngành.
8. Không có các mô-đun đánh giá hiệu quả
Bạn sẽ không thể biết liệu khoá đào tạo trực tuyến của bạn có thành công hay không nếu không có các bài kiểm tra, đánh giá hiệu quả đào tạo.
Có rất nhiều cách để bạn xem mức độ hiệu quả bằng cách cho người học làm bài kiểm tra, khảo sát hay các câu đố cuối mỗi mô-đun đào tạo. Việc tổng hợp kết quả sẽ giúp bạn theo dõi tình trạng đào tạo và cải thiện, sửa đổi chiến lược đào tạo trực tuyến của doanh nghiệp trong tương lai.
Xem thêm: Mô hình chuẩn đánh giá hiệu quả đào tạo của doanh nghiệp
9. Thiếu sự chuẩn bị chu đáo
Sẽ không có gì chán hơn việc khi mọi người hứng khởi tham gia học thì bị ngắt quãng bởi video không chạy hay máy chiếu không hoạt động. Và khi bạn là người đi làm, thời gian của bạn và cả những người học đều quý giá như nhau.
Vì vậy, hãy đảm bảo nội dung bạn truyền tải bám sát lịch trình. Nếu bạn đang tham gia buổi học trực tiếp, đừng quên kiểm tra các thiết bị máy chiếu, màn hình, loa mic phát biểu. Nếu là buổi học trực tuyến, hãy đảm bảo học viên có thể dễ dàng truy cập bài học, được cung cấp đủ tài liệu phục vụ buổi học.
Tóm lại, không có chương trình đào tạo nào ngay từ đầu đã là hoàn hảo. Luôn có những sai lầm hay sự cố đáng tiếc có thể xảy ra. Chỉ có điều, bạn có nhận ra kịp thời để sửa chữa và cải thiện hay không. Trong bài viết này, VietED “điểm danh” 9 sai lầm thường gặp phải khi thiết kế bài giảng e-learning trong doanh nghiệp. Hi vọng, bài viết sẽ giúp ích phần nào nếu bạn cũng đang được giao trọng trách thiết kế bài giảng e-learning cho công ty của mình.